Mở đầu Cách_mạng_Mông_Cổ_1921

Trong khoảng hai thế kỷ, triều đình Đại Thanh thi hành một chính sách tách biệt các dân tộc phi Hán tại vùng biên thùy với người Hán. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, Đại Thanh phải đối diện với viễn cảnh bị các cường quốc Tây phương và Nhật Bản xâu xé, mỗi thế lực lại cạnh tranh để giành phạm vi ảnh hưởng cho mình tại đây. Tại vùng biên giới phía bắc, triều Thanh nhận định đế quốc Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn vẹn lãnh thổ của mình. Nhằm đối phó, triều đình Thanh thông qua một chính sách khác biệt là Tân chính, theo đó kêu gọi Hán hóa Mông Cổ bằng những người Hán định cư, khai thác tài nguyên tự nhiên của Mông Cổ, huấn luyện quân sự, và giáo dục.[3]

Nhiều người Mông Cổ nhìn nhận "Tân chính" như một mối đe dọa lớn đến phương thức sinh hoạt truyền thống của họ, vốn là điều được thỏa thuận khi họ công nhận quyền uy của các hoàng đế Đại Thanh, và bắt đầu tìm kiếm độc lập. Trong tháng 7 năm 1911, một nhóm quý tộc Khalkha (Khách Nhĩ Khách) thuyết phục Jebtsundamba Khutuktu, người đứng đầu Phật giáo Mông Cổ, rằng Mông Cổ cần phải tuyên bố độc lập khỏi triều Thanh. Họ chấp thuận phái một đoàn nhỏ đến Nga để giành sự giúp đỡ về việc này.

Tháng 10 năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Trung Quốc bản thổ, các tỉnh lần lượt tuyên bố độc lập khỏi triều Thanh. Ngày 1 tháng 12 năm 1911, Ngoại Mông tuyên bố độc lập, và thiết lập một chế độ thần quyền dưới sự lãnh đạo của Jebtsundamba Khutuktu. Ngày 29 tháng 12, ông được tấn phong là Bogd Khaan (Bác Khắc Đa Hãn) của Mông Cổ.[4] Sự kiện này mở ra kỷ nguyên Bogd Khaan kéo dài cho đến năm 1919.

Bogd Khan

Chính phủ Mông Cổ mới là một sự kết hợp của thần quyền Phật giáo, tập quán của triều Thanh, và thực tiễn chính trị Tây phương trong thế kỷ 20. Bogd Khaan đảm nhiệm quyền lực của các hoàng đế Đại Thanh trong quá khứ, các quý tộc Mông Cổ nay triều cống cho ông thay vì hoàng đế Đại Thanh; và Bogd Khaan đảm nhiệm quyền phong chức tước cho các quý tộc. Quốc gia mới này cũng phản ánh nguyện vọng của người Mông Cổ muốn quốc gia của họ được hiện đại hóa, họ thiết lập một quốc hội gồm hai viện, một chính phủ với 5 bộ trưởng, và một quân đội quốc gia.

Trên mặt trận ngoại giao, từ năm 1912 đến 1915 người Mông Cổ hoạt động tích cực để giành được công nhận quốc tế cho một quốc gia liên Mông Cổ. Về phần mình, Trung Hoa Dân Quốc nỗ lực tái lập chủ quyền đối với Ngoại Mông. Nga từ chối ủng hộ độc lập đầy đủ cho Mông Cổ, cũng như chấp thuận khôi phục chủ quyền của Trung Quốc. Vấn đề được giải quyết theo Hiệp ước Kyakhta (1915) ba bên, quy định quyền tự trị của Mông Cổ trong Trung Quốc và cấm chỉ Trung Quốc phái quân đến Mông Cổ, song cả Trung Quốc và Mông Cổ đều bất mãn với hiệp ước này.